Chu Kỳ Kinh Nguyệt Là Gì? Cách Tính Chu Kỳ Kinh Nguyệt Chính Xác

Chu kỳ kinh nguyệt là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Phụ nữ, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó. Việc nắm vững cách tính chu kỳ kinh nguyệt chuẩn xác không chỉ giúp chị em chủ động hơn trong cuộc sống hàng ngày mà còn là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe sinh sản. Trong bài viết sau đây, Ladycare sẽ cùng bạn khám phá chi tiết về chu kỳ kinh nguyệt là gì, các giai đoạn diễn ra và cách tính chu kỳ kinh nguyệt chính xác.

I. Kinh Nguyệt Và Chu Kỳ Kinh Nguyệt Là Gì?

Kinh nguyệt (hay còn gọi là kỳ kinh) là quá trình bong tróc lớp niêm mạc tử cung (dạ con) và được đào thải ra ngoài cơ thể dưới dạng máu kinh.

Máu kinh không chỉ bao gồm máu mà còn chứa các tế bào niêm mạc tử cung, các dịch tiết và một số chất khác. Đây là một hiện tượng sinh lý tự nhiên xảy ra hàng tháng ở Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Chu kỳ kinh nguyệt là một chuỗi các sự kiện phức tạp diễn ra trong cơ thể Phụ nữ, được điều hòa bởi hệ thống nội tiết, chuẩn bị cho quá trình mang thai.

Cụ thể, sự thay đổi nồng độ của các hormone nữ như Estrogen và Progesterone sẽ kích thích sự phát triển và bong tróc của lớp niêm mạc tử cung. Nếu trứng rụng không được thụ tinh, lớp niêm mạc này sẽ không còn cần thiết và sẽ bong ra, gây ra hiện tượng kinh nguyệt.

chu kỳ kinh nguyệt là gì

Chu kỳ kinh nguyệt là quá trình diễn ra phức tạp của cơ thể Phụ nữ, được điều hòa bởi hệ thống nội tiết chuẩn bị cho khả năng mang thai và đi kèm với những thay đổi về thể chất và tinh thần.

II. Các Giai Đoạn Của Chu Kỳ Kinh Nguyệt Diễn Ra Như Thế Nào?

Sau khi hiểu được chu kỳ kinh nguyệt là gì. Hãy cùng Ladycare tiếp nối hành trình khám phá cơ thể mình bằng cách đi sâu vào từng giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt được chia thành 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn mang một vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản của Phụ nữ. Đó là giai đoạn tăng sinh, giai đoạn chế tiết và giai đoạn hành kinh.

1. Giai đoạn tăng sinh

Giai đoạn tăng sinh là giai đoạn đầu tiên và vô cùng quan trọng của chu kỳ kinh nguyệt. Giai đoạn tăng sinh xảy ra song song giai đoạn hành kinh, được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt và kết thúc khi quá trình rụng trứng diễn ra: đây là giai đoạn phát triển của các nang trứng và dày lên của niêm mạc tử cung.

Đến ngày thứ 10-14, một trong những nang trứng đang phát triển đó sẽ trở thành trứng trưởng thành hành toàn (noãn). Khi các hormon trong cơ thể tiết ra đủ nồng độ và đúng thời điểm (thường là vào ngày thứ 14), sẽ kích thích lên tuyến yên tiết ra một hormon tên là LH – Luteinizing Hormone khiến nang trứng phóng noãn. Quá trình này được gọi là rụng trứng.

2. Giai đoạn chế tiết

Giai đoạn chế tiết là giai đoạn thứ hai của chu kỳ kinh nguyệt, bắt đầu từ ngày thứ 15 đến ngày 28 của chu kỳ kinh. Sau khi được giải phóng khỏi buồng trứng, trứng bắt đầu di chuyển đến ống dẫn trứng đợi tinh trùng. Nếu sự thụ tinh xảy ra, lớp niêm mạc tử cung sẽ tiếp tục phát triển, tạo thành “cái nôi” cho thai làm tổ.

Nếu quá trình thụ tinh không diễn ra, lớp niêm mạc tử cung đó sẽ bị phá vỡ và bong ra, hình thành kinh nguyệt. Lúc này, chị em đôi khi có thể gặp những triệu chứng của tiền kinh nguyệt như ngực bị sưng đau, tâm trạng thất thường, khó ngủ, mất ngủ, thèm ăn, giảm ham muốn tình dục,…

3. Giai đoạn hành kinh

Giai đoạn hành kinh là giai đoạn cuối cùng của chu kỳ kinh nguyệt. Nếu trứng rụng trong chu kỳ trước không được thụ tinh, lớp niêm mạc tử cung đã dày lên để chuẩn bị cho việc làm tổ sẽ không còn cần thiết. Lúc này, dưới sự tác động của hormone, lớp niêm mạc này sẽ bị phá vỡ và bong ra, cùng với máu, các mô và dịch nhầy, được đào thải ra ngoài cơ thể qua âm đạo. Quá trình này chính là kinh nguyệt.

Thời gian trung bình của một chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 28-35 ngày, và giai đoạn hành kinh thường kéo dài từ 3-7 ngày. Tuy nhiên, độ dài của chu kỳ và lượng máu kinh có thể khác nhau ở mỗi người Phụ nữ, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như cơ địa, chế độ ăn uống, stress, và các bệnh lý phụ khoa.

Trong giai đoạn hành kinh, nhiều chị em thường gặp phải các triệu chứng khó chịu như đau bụng kinh, mệt mỏi và một số triệu chứng khác. Những triệu chứng này thường xuất hiện trước và trong thời gian hành kinh và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chị em.

III. Khởi Phát Và Tần Suất Của Chu Kỳ Kinh Nguyệt

Tuổi dậy thì ở các bé gái thường bắt đầu từ 12 đến 15 tuổi, đánh dấu bằng sự xuất hiện của kinh nguyệt lần đầu. Tuy nhiên, sự đa dạng về thể chất khiến thời điểm này có thể sớm hơn (ngay từ 8 tuổi) hoặc muộn hơn tùy thuộc vào yếu tố di truyền, chế độ ăn uống, sức khỏe tổng thể và cả môi trường sống. Ở các nước đang phát triển, tuổi dậy thì thường đến muộn hơn so với các nước phát triển.

Ngược lại, giai đoạn mãn kinh thường bắt đầu từ 45 đến 55 tuổi. Nếu mãn kinh xảy ra sớm hơn, đặc biệt dưới 45 tuổi ở các quốc gia công nghiệp, cần được theo dõi và đánh giá kỹ lưỡng. Cũng như tuổi dậy thì, tuổi mãn kinh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, từ sinh học đến văn hóa, và có thể bị tác động bởi bệnh tật hoặc các can thiệp y tế.

Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi Phụ nữ là duy nhất. Trung bình, một chu kỳ kéo dài khoảng 28 ngày, nhưng sự dao động từ 24 đến 38 ngày vẫn được xem là bình thường. Chu kỳ kinh nguyệt đều đặn nhất thường xuất hiện ở Phụ nữ từ 25 đến 39 tuổi. Ở Phụ nữ Việt Nam, chu kỳ kinh nguyệt thường dao động từ 28 đến 30 ngày. Tuy nhiên, nếu chu kỳ thay đổi quá nhiều (chênh lệch trên 21 ngày giữa các lần hành kinh), đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe và cần được thăm khám.

IV. Triệu Chứng Thường Gặp Của Chu Kỳ Kinh Nguyệt

Triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt ở chị em Phụ nữ thường khác nhau tùy theo từng người, nhưng có một số dấu hiệu phổ biến mà nhiều Phụ nữ gặp phải trong suốt chu kỳ của mình. Dưới đây là các triệu chứng thường thấy:

  • Đau bụng kinh: Nhiều Phụ nữ trải qua cảm giác đau hoặc co thắt ở vùng bụng dưới trong vài ngày đầu của kỳ kinh nguyệt. Đây là hiện tượng bình thường do tử cung co lại để đẩy máu kinh ra ngoài.
  • Đau tức ngực: Trước và trong kỳ kinh nguyệt, một số chị em có thể cảm thấy đau hoặc căng tức ở vùng ngực. Điều này là do sự thay đổi hormone trong cơ thể.
  • Đau lưng dưới: Cảm giác đau hoặc nhức ở lưng dưới cũng là triệu chứng phổ biến, có thể kéo dài trong suốt kỳ kinh nguyệt.
  • Đau đầu: Sự biến đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra đau đầu hoặc migraine ở một số Phụ nữ.
  • Tâm trạng thất thường: Nhiều chị em nhận thấy tâm trạng thay đổi, dễ tức giận hoặc cảm thấy buồn bã hơn trong giai đoạn này. Đây là kết quả của sự thay đổi hormone ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
  • Mụn trứng cá: Một số người có thể bị mụn trứng cá hoặc các vấn đề về da khác do sự thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Khí hư: Trước khi có kinh nguyệt, có thể xuất hiện khí hư màu trắng hoặc trong suốt, là dấu hiệu bình thường của chu kỳ kinh nguyệt.

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng trên ở mức độ nặng hoặc có dấu hiệu bất thường khác, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

V. Cách Tính Chu Kỳ Kinh Nguyệt Chính Xác

Bạn có bao giờ tò mò chu kỳ “đèn đỏ” của mình kéo dài bao nhiêu ngày không? Dưới đây là các bước đơn giản để bạn có thể tính được chu kỳ kinh nguyệt của mình kéo dài bao nhiêu ngày:

Bước 1: Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của bạn bằng cách ghi lại ngày đầu tiên mà bạn bắt đầu có kinh nguyệt (ngày “đèn đỏ” xuất hiện). Đây sẽ là ngày khởi đầu của chu kỳ kinh.

Bước 2: Tiếp tục theo dõi và ghi lại ngày “đèn đỏ” xuất hiện lần tiếp theo. Đây sẽ là ngày đánh dấu kết thúc chu kỳ kinh trước và bắt đầu chu kỳ mới.

Bước 3: Dựa vào ngày bắt đầu và ngày kết thúc từ bước 1 và bước 2, bạn có thể tính được độ dài của chu kỳ kinh nguyệt.

Bước 4: Theo dõi liên tục trong vòng ít nhất 6 tháng để có được độ dài chu kỳ trung bình. Dựa vào đó, bạn có thể dự đoán được ngày bắt đầu kỳ kinh nguyệt tiếp theo.

Ví dụ: Nếu bạn bắt đầu có kinh vào ngày 1/4 và kỳ kinh tiếp theo bắt đầu vào ngày 29/4 thì chu kỳ của bạn là 28 ngày.

cách tính chu kỳ kinh nguyệt

Việc tính được chu kỳ kinh nguyệt giúp bạn chủ động hơn trong việc sắp xếp công việc và cuộc sống, đảm bảo tinh thần cảm thấy thoải mái.

Qua bài viết trên, Ladycare đã giải đáp cho bạn về chu kỳ kinh nguyệt là gì, giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ thể mình. Việc nắm vững thông tin về chu kỳ kinh nguyệt không chỉ đơn thuần là biết được những ngày “đèn đỏ” mà còn mang đến nhiều lợi ích như có kế hoạch nghỉ ngơi hợp lý, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát hiện các bất thường (nếu có).

Nguồn: Chu kỳ kinh nguyệt – Wikipedia

Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Comment
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Grace
Grace
15 ngày trước

Nhờ tính được chu kỳ kinh nguyệt mà mình có thể chuẩn bị tốt cho những ngày này. Do đó, mình cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều trong những ngày đèn đỏ, không còn bị bất ngờ bởi những cơn đau ập tới nữa

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x